Chính phủ vừa ban hành Nghị định 205/2025/NĐ-CP, mở rộng các ưu đãi về vốn, công nghệ, nhân lực và thị trường để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, pháp lý và thị trường cho doanh nghiệp trong lĩnh vực then chốt này.

Nghị định 205/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chính sách mới này có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách mới này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, Nghị định 205/2025/NĐ-CP bổ sung quy định hỗ trợ tối đa 70% chi phí cho các hoạt động đào tạo chuyên gia, nâng cao năng lực tổ chức tư vấn và phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật trong ngành. Đối tượng thụ hưởng gồm cả sinh viên xuất sắc, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia kỹ thuật, công nhân lành nghề đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Nghị định mới cũng mở rộng hỗ trợ đối với các yếu tố gián tiếp nhưng mang tính quyết định, như môi trường đầu tư, thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển thị trường. Doanh nghiệp đầu tư vào khu hoặc cụm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hỗ trợ thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên sẽ được tiếp cận các chương trình hỗ trợ pháp lý hiện hành, đồng thời được miễn, giảm một số chi phí hành chính theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cơ chế hỗ trợ kiểm định chất lượng cũng được đưa ra, doanh nghiệp sẽ được tài trợ một phần chi phí để thực hiện thử nghiệm, giám định, chứng nhận tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đăng ký bản quyền thương hiệu, mã vạch và các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ. Ở khía cạnh thị trường, nghị định cho phép doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 70% chi phí khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ – triển lãm trong và ngoài nước, cũng như các hoạt động liên kết với tập đoàn đa quốc gia để mở rộng chuỗi cung ứng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Riêng ngành chế biến – chế tạo tăng 11,1%, góp 9,1 điểm % vào mức tăng chung. Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai… Tuy nhiên, phần lớn vẫn là doanh nghiệp quy mô nhỏ, năng lực tài chính và công nghệ còn hạn chế, chủ yếu làm gia công cấp thấp, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao.
Nghị định 205/2025/NĐ-CP vì vậy không chỉ là chính sách ngắn hạn nhằm gỡ khó về vốn và công nghệ, mà còn là bước đi dài hạn để xây dựng nền tảng tự chủ về sản xuất – một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo tăng trưởng bền vững, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt. Khi được triển khai bài bản và minh bạch, Nghị định 205/2025/NĐ-CP sẽ đóng vai trò ‘đòn bẩy’ thúc đẩy cả hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tránh lệ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu; đồng thời tăng khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực, tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế.