Sau khi tăng ‘nóng’ lên 12% một năm, nhiều ngân hàng tư nhân đã đồng loạt giảm lãi suất theo cam kết, nhưng mặt bằng vẫn ở mức cao.
Hôm nay, ghi nhận của VnExpress cho thấy mức lãi “khủng” hơn 12% một năm không còn xuất hiện tại một số nhà băng như trước đây. Dẫu vậy, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức rất cao.
Cụ thể, các khoản tiền 200 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng hiện được Ngân hàng Quốc dân (NCB) trả lãi 11,5%, giảm hơn 0,5% so với trước. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lãi suất thuộc top cao nhất thị trường.
Tại Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), mức lãi suất 12% một năm cho khoản tiền gửi 18 tháng hiện cũng giảm về dưới 11%. Theo đó, khách gửi trăm triệu đồng tại nhà băng này được trả lãi suất 10,9% một năm.
Xu hướng điều chỉnh giảm biểu lãi suất tiết kiệm cũng ghi nhận tại nhiều nhà băng khác trên thị trường. Như tại Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), biểu lãi suất huy động từ 20/12 đã giảm 0,4% đến 1% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất niêm yết cao nhất tại Saigonbank giảm từ 10,5% xuống 9,5% một năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất kỳ hạn ngắn hơn giảm quanh 0,5%.
Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) từ 19/12 cũng hạ lãi suất 0,4% ở nhiều kỳ hạn, theo đó đưa mức niêm yết cao nhất về 9% một năm.
Tại nhiều nhà băng tư nhân khác như VietABank, Techcombank, Oceanbank… mức lãi suất niêm yết cao nhất đang xoay quanh 9,5% một năm. Với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất cao nhất giữ nguyên ở mức 7,4%, thấp hơn từ 2% đến 4% so với nhóm tư nhân.
Động thái giảm lãi suất này diễn ra sau cuộc họp giữa các nhà băng với Hiệp hội ngân hàng (VNBA) vào tuần trước, trong bối cảnh các ngân hàng quy mô nhỏ đẩy lãi suất tiết kiệm vượt 12% một năm.
Tại cuộc họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã quán triệt chủ trương các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay tuỳ theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng từ 12/12 phải báo cáo hàng tuần về việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi và cho vay.
Cuộc đua lãi suất tại nhiều nhà băng thời gian qua, theo VNBA, do thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ thiếu hụt tạm thời. Điều này không chỉ do người dân chuyển sang gửi tiền ở những ngân hàng lớn mà còn do giới nhà băng cũng thiếu tin tương nhau, khiến thị trường liên ngân hàng (các ngân hàng vay mượn nhau) nhiều lúc gián đoạn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bơm vốn kịp thời, song áp lực với một số ngân hàng nhỏ chưa phải là đã hết.
Sau kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước và hiệp hội, đại diện các ngân hàng đồng thuận “cam kết” đưa lãi suất huy động về không quá 9,5% một năm (tính cả khuyến mãi). Tuy nhiên để làm điều này, họ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp như hỗ trợ thanh khoản tối đa qua thị trường mở (OMO), bỏ đấu thầu lãi suất với kỳ hạn 91 ngày, nới tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) và hỗ trợ nghiệp vụ mua bán ngoại tệ hoán đổi…
Quỳnh Trang