Trang chủ Doanh nghiệp Lâm Đồng: Kinh tế tư nhân cần ‘thay máu’ để vươn lên

Lâm Đồng: Kinh tế tư nhân cần ‘thay máu’ để vươn lên

bởi Linh

Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang tạo ra những kỳ vọng mới cho sự phát triển của khu vực kinh tế này tại Lâm Đồng. Các doanh nghiệp tư nhân đang kỳ vọng vào những cơ hội mới để chuyển mình mạnh mẽ và trở thành động lực chính của nền kinh tế.

Muốn phát triển, chính các doanh nghiệp tư nhân tại Lâm Đồng phải không ngừng nâng cao giá trị của mình
Muốn phát triển, chính các doanh nghiệp tư nhân tại Lâm Đồng phải không ngừng nâng cao giá trị của mình

Trong những năm qua, kinh tế tư nhân tại Lâm Đồng đã có những bước tiến đáng kể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, đặc biệt là về quy mô và sức cạnh tranh. Một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân tại Lâm Đồng gặp phải là việc tiếp cận nguồn vốn và đất đai.

Lâm Đồng hiện có hơn 23.800 doanh nghiệp tư nhân phát triển
Lâm Đồng hiện có hơn 23.800 doanh nghiệp tư nhân phát triển

Nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ gặp nhiều khó khăn. Tại khu vực Đắk Nông cũ, trong tổng số 4.700 doanh nghiệp hoạt động, chỉ có khoảng 900 doanh nghiệp được vay vốn từ ngân hàng thương mại. Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ xanh, xã Cư Jút, cho biết rằng đơn vị của ông vẫn chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước.

“Với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã đi tìm hiểu nhiều. Nhiều chính sách ban hành, đơn vị cũng làm hồ sơ xin hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản”, ông Cường chia sẻ. Để phát triển mạnh mẽ và toàn diện, bản thân các doanh nghiệp trong khối kinh tế tư nhân cần thay đổi và nâng cao giá trị của chính doanh nghiệp mình.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực X Phạm Thanh Tình, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản lý, báo cáo tài chính, điều hành và đào tạo lao động. “Khi doanh nghiệp làm được như vậy, chúng tôi tin rằng, không cần doanh nghiệp đi vay mà chính các tổ chức tín dụng sẽ tìm đến”, ông Tình khẳng định.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng, nguồn vốn và chính sách đất đai là nhựa sống của doanh nghiệp. Vay vốn và có nguồn ổn định sẽ là điều kiện tiên quyết cho bất cứ một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp tư nhân cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, áp dụng chuyển đổi số và tự động hóa trong sản xuất và quản trị.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể khẳng định rằng, kinh tế tư nhân đang đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Để đáp ứng kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, khu vực này cần tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo và phát triển theo hướng bền vững.

Có thể bạn quan tâm