LVMH, Hermès International… báo cáo doanh thu tăng vọt bất chấp rủi ro suy thoái, được thúc đẩy bởi hoạt động mua hàng đền bù và hành vi của người giàu không tuân theo kinh tế học.
LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton – tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới – ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vượt dự báo ở 4 trên 5 hạng mục. Phân khúc lớn nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất – bao gồm các hãng thời trang như Christian Dior – tiếp tục dẫn đầu. Nhưng cùng ngày hôm đó, IMF cảnh báo rằng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến” đối với nền kinh tế thế giới.
Trong buổi công bố báo cáo, Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony đã được hỏi về sự “chênh lệch” giữa tình hình kinh tế toàn cầu (lãi suất tăng, lạm phát tràn lan, nguy cơ suy thoái) và sự sôi động của ngành hàng xa xỉ. Ông trả lời: “Hàng hóa xa xỉ không phải là chỉ báo về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế. “Chúng tôi bán cho người giàu và hành vi của họ không nhất thiết phải tuân theo kinh tế học.”
Nói cách khác, khi các cửa hàng tạp hóa nhận thấy khách hàng của họ bắt đầu để ý đến từng xu khi lạm phát cao, Louis Vuitton vẫn có thể tăng giá mà không sợ ảnh hưởng đến nhu cầu.
Vài ngày sau, một công ty hàng xa xỉ khác, Hermès International, công bố doanh thu tăng trưởng 24% trong năm nay, sau khi loại bỏ biến động tiền tệ. Thậm chí điều này đã đạt được sau khi họ đã tăng giá sản phẩm lên trung bình 4%. Điều này khiến Hermès tự tin họ có thể tăng giá tới 10% trong năm tới.
Một số yếu tố khác cũng góp phần vào điều này. Đặc biệt, các hạn chế trong đại dịch được nới lỏng ở một số quốc gia sau hơn 2 năm.
“Sau Covid-19, hành vi mua sắm trả góp trở nên phổ biến. Người tiêu dùng có tâm lý: ‘Đời ngắn lắm. Mình sẽ tận hưởng ngày hôm nay vì không biết ngày mai ra sao'”, Gachoucha Kretz – giáo sư Marketing tại Trường Kinh doanh HEC Paris cho biết.
Tâm lý này có thể giải thích cho làn sóng người giàu Mỹ đi du lịch châu Âu trong năm nay. Với việc đồng USD đổi được hơn 1 euro lần đầu tiên sau hai thập kỷ, người Mỹ không ngại xếp hàng mua những chiếc túi 9.000 euro của Chanel tại Paris. Những người khác ở tại Cheval Blanc Paris của LVMH với giá 55.000 euro một đêm cho một căn hộ có thang máy và bể bơi riêng.
Sự điên cuồng chi tiêu này cũng có mặt trong thị trường túi xách xa xỉ đã qua sử dụng. Lucile Andreani, trưởng bộ phận túi xách của Christie’s Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, cho biết mặt hàng này thậm chí còn được coi là một khoản đầu tư dài hạn và thu hút những người mua mới. . Cô ước tính rằng khoảng 2/3 người mua túi xách tại các cuộc đấu giá là phụ nữ, với độ tuổi trung bình là 43.
Giá hàng xa xỉ cũng liên tục lập kỷ lục. Vào tháng 9, một chiếc túi Hermès Kelly được bán với giá 352.800 euro tại một cuộc đấu giá của Sotheby. Đây là mức giá kỷ lục với nhà đấu giá này.
Kể từ năm 2007, LVMH chỉ ghi nhận 2 năm sụt giảm doanh thu. Đó là năm 2009 – ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính và năm 2020 – khi một đại dịch mới xuất hiện. Trong cả hai trường hợp, những năm sau đó doanh số bán hàng tăng mạnh.
Lần này, tình hình có thể hơi khác một chút. Bất chấp nguy cơ xảy ra khủng hoảng vẫn lơ lửng, Federica Levato, nhà phân tích tại Bain & Co, cho rằng “người nghèo và tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng nhiều hơn, chứ không phải nhóm giàu”.
Kretz cho biết các công ty hàng xa xỉ thậm chí có thể bán được nhiều hơn so với thời kỳ khủng hoảng năm 2009, vì toàn cầu hóa hiện nay lớn hơn. Các thị trường đang bùng nổ có thể bù đắp cho những thị trường đang suy giảm. Việc các thương hiệu liên tục đầu tư vào sản phẩm cũng đang giúp họ gặt hái thành quả.
“Nhiều người coi các sản phẩm xa xỉ là bất động sản,” bởi vì chúng có thể đổi chủ, Kretz nói, đồng thời cho biết thêm rằng với những món đồ không có ngày hết hạn, người mua sẵn sàng trả tiền để mua chúng. Vào tháng 9, một chiếc đồng hồ Cartier Cheich quý hiếm đã được mua tại cuộc đấu giá của Sotheby với giá 1 triệu euro.
Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm đều miễn nhiễm với suy thoái kinh tế. Các mặt hàng dựa trên vàng đặc biệt phổ biến trong thời kỳ lạm phát. Điều này giải thích tại sao Tiffany & Co – công ty có các sản phẩm bạc chiếm 1/4 hoạt động kinh doanh – tăng trưởng khá chậm trong quý 3, Guiony nói.
Nhu cầu về đồng hồ mạnh mẽ hơn. “Mọi người sợ rằng giá của một chiếc đồng hồ có thể tăng lên. Họ sẵn sàng mua nó ngay bây giờ, vì họ lo lắng rằng họ sẽ còn phải mua nó với giá đắt hơn nhiều”, Guiony nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)