Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá kinh tế Việt Nam năm tới sẽ có thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm nay dù có nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt những kết quả quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiểm soát, đảm bảo các cân đối lớn; chính trị ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia đảm bảo; hoạt động đối ngoại được tăng cường…
Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam năm tới, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, các yếu tố thuận lợi thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
“Chúng ta không hoang mang, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp”, Thủ tướng nói.
Do đó, để phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, công điện đã ban hành. Trong đó, các cơ quan phải nắm chắc tình hình, lựa chọn công việc ưu tiên phù hợp với bối cảnh; chủ động, phản ứng chính sách kịp thời.
Thủ tướng cũng lưu ý phải thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa, bảo đảm hiệu quả tổng thể, đáp ứng thực tiễn. Trong đó, Việt Nam phải ổn định thị trường ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên; hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng phù hợp, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu ngành thuế thu đúng, đủ, kịp thời ngân sách nhà nước; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục về thuế, đẩy mạnh số hoá trong ngành này… cũng như nghiên cứu các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí… Ông cũng đề cập đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản thời gian tới.
Trước đó, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thông tin tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay trên 8% – cao nhất 11 năm; lạm phát dưới 4%, xuất khẩu 11 tháng tăng hơn 13,4%; vốn FDI giải ngân tăng trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái… Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11 đã vượt 16% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Những điều này chứng minh Việt Nam không bị suy thoái trong Covid-19 mà đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
Với các vấn đề trên thị trường tín dụng, trái phiếu, doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu… diễn ra những tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đó là vấn đề của vận động, phát triển theo chu kỳ. Việt Nam cần phải xử lý triệt để.
“Đã có bệnh phải chữa nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó. Tuy nhiên, Việt Nam dứt khoát phải xử lý các sai phạm để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Chữa bệnh phải mất thuốc, mất thời gian, công sức và phải chờ thời gian để ngấm”, ông nói. Theo ông, không có phương án nào là hoàn toàn đúng trong xử lý vấn đề mà phải lựa chọn cách tối ưu nhất, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng đồng thời đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; nếu có khó khăn, cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư. Ngược lại, nhà đầu tư nên chia sẻ với doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định pháp luật.
Về thị trường bất động sản, ông yêu cầu phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp… “Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được”, Thủ tướng nói.
Đức Minh