Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chuyển mình mang tính bước ngoặt. Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,52% – mức tăng cao nhất trong khu vực, điều này khẳng định sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế sau nhiều năm chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, bất ổn kinh tế toàn cầu và biến động địa chính trị.
Quá trình sáp nhập các tỉnh và đưa chính quyền địa phương hai cấp vào vận hành chính thức từ ngày 1-7-2025 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tinh giản bộ máy và tiết kiệm ngân sách. Hơn thế, việc này còn mở ra dư địa tăng trưởng mới và định hình lại bản đồ kinh tế quốc gia. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp giúp phân quyền mạnh mẽ, tăng hiệu quả điều hành, từ đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải cách thủ tục và tiếp cận thị trường.
Việc Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ về thuế đối ứng và tham gia hợp tác với các quốc gia thuộc khối BRICS đã mở ra dư địa xuất khẩu lớn chưa từng có trong lịch sử hiện đại của nước ta. Ba động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong nền kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ cao, tập trung vào các đại dự án hạ tầng kết nối liên vùng, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh và chuyển đổi số. Xuất khẩu tăng tốc nhờ đà phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với các thỏa thuận thương mại mới với Hoa Kỳ và BRICS. Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất – công nghệ – dịch vụ chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 8%, cần thực hiện các giải pháp phát triển đột phá. Đầu tiên là đầu tư công hiệu quả, có chiến lược, tập trung vào các dự án ‘mang tính bản lề’ như đường vành đai vùng, cao tốc xuyên tỉnh, cảng biển, năng lượng sạch, chuyển đổi số vùng nông thôn. Ngoài ra, cần ưu tiên các tỉnh vừa sáp nhập, để tạo các cực tăng trưởng mới, lan tỏa ra toàn vùng.
Xuất khẩu cũng cần đẩy mạnh dựa trên lợi thế mới, tận dụng các FTA thế hệ mới và đặc biệt là thỏa thuận thuế với Mỹ để thúc đẩy các ngành điện tử, dệt may, nông thủy sản, logistics. Tiêu dùng nội địa thông minh cần được thúc đẩy bằng việc hỗ trợ lãi suất tiêu dùng có mục tiêu cho các ngành dịch vụ, bán lẻ, du lịch nội địa cùng khuyến khích tiêu dùng sản phẩm trong nước, phát triển thương mại điện tử vùng sâu, vùng xa.
Phát triển kinh tế tư nhân – động cơ tăng trưởng nội lực cũng là một giải pháp quan trọng. Cần triển khai mạnh Nghị quyết số 68-NQ/TW của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân như một trụ cột của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2025 có thể sẽ được ghi nhận là năm bản lề của một chu kỳ phát triển mới. Đất nước tối ưu hóa bộ máy, đồng thời mở ra các không gian kinh tế chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% không còn là ‘mục tiêu cao’ nếu chúng ta tận dụng tốt các cơ hội: Tái cấu trúc hành chính – quan hệ thương mại chiến lược – đầu tư công hiệu quả – kinh tế số – tư nhân năng động – thể chế đổi mới.