Đại diện World Bank nói sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc gia và toàn thế giới.
Phát biểu trên được ông Li Guo – Điều phối viên Chương trình Quốc gia về Nông nghiệp, Chuyên gia cao cấp Kinh tế Nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, nêu trong Diễn đàn Mekong Startup 2022 hôm nay. Theo ông, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong 35 năm qua và đạt nhiều thành tựu.
“Đây là câu chuyện thành công của Đông Nam Á, nông nghiệp Việt Nam hiện vừa đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước vừa là động lực quan trọng cho kinh tế và nguồn thu quốc gia”, ông Li nhận định.
Với vị thế là vựa nông sản lớn nhất cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ trong thời gian tới. Đại diện tổ chức này cho rằng khu vực hoàn toàn có nhiều điều kiện sẵn có và tiềm năng để phát triển nông nghiệp hơn nữa. Trước mắt, ông Li công bố đang cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án trồng khoảng một triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp.
Với đề án này, các địa phương trong vùng, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hợp tác xã, trang trại… tự nguyện xác định và đăng ký diện tích triển khai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các chủ thể thực hiện.
Một triệu ha lúa kể trên sẽ sử dụng giống chất lượng cao, giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Vùng lúa sẽ được tổ chức theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đề án cũng ưu tiên cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… Đây sẽ là vùng lúa tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng, xây dựng thương hiệu gạo.
Đại diện World Bank nhấn mạnh đến yếu tố giảm phát thải khí nhà kính vì ngành nông nghiệp khu vực đang đối diện hai thách thức gồm suy thoái môi trường và biến đối khí hậu. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, ngành này hiện chiếm 19% tổng nguồn phát thải cả nước. Riêng trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành nông, với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2 mỗi năm. Trung bình sản xuất một tấn gạo sẽ thải ra khoảng một tấn carbon.
Ông Li Gou dẫn một báo cáo hồi năm 2019 chỉ ra 85% nhà bán lẻ quan tâm về vấn đề sản phẩm được sản xuất có tính bền vững. Đến nay, tỷ lệ trên có thể đã nâng lên 90%. Do đó, nếu muốn giữ vững vị thế và tiếp cận thị trường thế giới, Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung hạn chế phát thải và quy hoạch tổng thể toàn vùng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ông còn lưu ý về việc ươm tạo thế hệ nông dân mới với ý thức về phát triển bền vững tốt, trở thành tương lai của nền nông nghiệp miền Tây.
Không chỉ xây dựng thương hiệu, sản xuất nông nghiệp ít phát thải còn được ông Trần Anh Thư – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng là giải pháp giúp tăng thu nhập cho người làm nông. Ông dẫn đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy, người trồng lúa tại Việt Nam đang có thu nhập thấp nhất trong tất cả loại hình canh tác nông nghiệp, bình quân chỉ 30-40 triệu đồng một ha. Ông cho rằng cần nâng 20% lên mức 55-60 triệu đồng một ha để người trồng lúa có thu nhập ngang mức trung bình trong ngành.
Giải pháp của ông là cần cắt giảm chi phí sản xuất khi lạm dụng chất hóa học, ít tận dụng phế phẩm và thất thoát sau thu hoạch. Song song đó, tận dụng phế phẩm để tăng giá trị cho ngành hàng lúa gạo, từ đó hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, ông cho rằng nếu có thể nâng giá trị hạt gạo qua sản xuất sạch hơn, giảm phát thải, ngành trồng lúa sẽ có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon. Riêng khoản này giúp tăng thu nhập thêm 3-5%.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia và lãnh đạo cũng đồng ý nếu khắc phục được những thách thức kể trên, ngành nông nghiệp miền Tây và cả nước nói chung có nhiều lợi thế. Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, nói vị thế của Việt Nam đang cao trong khu vực. Nhiều khách hàng Philippines chia sẻ với ông rằng “không thể thiếu” gạo Việt Nam vì có giá rẻ hơn hẳn Thái Lan, chất lượng tốt. Một số đối tác người Thái cũng từng nói với ông Nam, nước này cần học hỏi Việt Nam trong việc chuyển đổi giống lúa nhanh và đa dạng. Trong khi Thái Lan chỉ có một giống lúa nổi tiếng (Koh Khor), Việt Nam sở hữu rất nhiều. Trong đó, gạo ST25 ngon nhất thế giới đã là thương hiệu rất lớn.
Tham dự diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu những điểm đáng hoan nghênh của ngành nông nghiệp. Đến nay, cả nước có 10 nông sản thuộc top 10 xuất khẩu trên thế giới như tôm, cá tra, gỗ, cà phê, cao su, gạo, chè… Riêng lương thực, Việt Nam có vai trò rất quan trọng.
Phó thủ tướng nhìn nhận không thể nào bỏ rơi ngành nông nghiệp vì “phi nông bất ổn”. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng. Theo ông, Chính phủ cần có chính sách đầu tư hạ tầng đồng bộ để vùng này phát triển hơn nữa. Ông cũng khuyến khích sự hợp tác giữa nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà kinh doanh, giữa các địa phương và giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, xanh và ít phát thải.
Cũng cam kết hỗ trợ nông nghiệp khu vực này, ông Rémi Nono Womdim – Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, hứa sẽ giúp xây dựng và triển khai hệ thống MRV (đo lường, báo cáo và xác minh), rất quan trọng trong việc chỉ ra lượng CO2 đã cắt giảm và Việt Nam đóng góp ra sao vào các cam kết về môi trường. Đây sẽ là những yếu tố giúp nâng cao giá trị và thương hiệu cho nông sản.
Ngoài ra, ông kiến nghị cần tập trung ưu tiên cho nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm. Những ưu tiên này góp phần đảm bảo Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng toàn diện và bền vững trong tương lai.
Tất Đạt